Bão số 2 diễn biến phức tạp và đang tiếp tục mạnh thêm

Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 2 (có tên quốc tế là Nida), di chuyển theo hướng Tây Bắc và tiếp tục mạnh thêm, sau đó có khả năng đổi hướng.

Trung tâm Dự báo thời tiết Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hồi 02 giờ ngày 31/7, vị trí tâm bão cách đảo Lu Dông khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10-11.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 01 giờ ngày 01/8, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển phía Bắc đảo Lu Dông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14-15.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm.

Đến 01 giờ ngày 02/8, vị trí tâm bão cách Hồng Kông khoảng 190km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 15-16.

tin-bao-so-2

Do ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm mai (01/8), vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-13, giật cấp 15-16. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Ngoài ra, do hoạt động của gió mùa Tây Nam nên khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động.

Ngày 30/7, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Xuân Cường, đi kiểm tra tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả sau bão số 1 tại 4 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình.

Theo báo cáo của các địa phương, bão số 1 gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích lúa mùa đang bị ngập sâu và nguy cơ mất trắng hàng chục nghìn hécta; hàng chục nghìn hécta rau màu, cây ăn quả bị đổ gẫy, giập nát, khả năng sẽ mất trắng.

Hàng chục nghìn cột điện bị đổ gẫy, nhiều nơi vẫn mất điện. Chỉ riêng 4 tỉnh trên, ước tính thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương tập trung bơm tát để tiêu nước, cứu diện tích lúa mùa mới gieo cấy hơn nửa tháng nay.