Cảnh báo dịch bệnh bùng phát mùa hè

Mùa hè thời tiết nóng bức dễ bùng phát các bệnh truyền nhiễm cấp tính luôn “tấn công” trẻ em trong mùa hè như: Viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, sốt do virus…

Bệnh viêm não Nhật Bản, tay chân miệng có nguy cơ thành dịch

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện bệnh viêm não Nhật Bản và tay-chân-miệng đang xuất hiện rải rác ở một số địa phương, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh viêm não Nhật Bản, bệnh nhiễm virus cấp tính ở thần kinh trung ương, thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Đặc biệt, bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Các chuyên gia y tế cho biết, khoảng 20-30% bệnh nhân viêm não Nhật Bản bị tử vong; khoảng 30-50% số người sống sót tiếp tục có biểu hiện rối loạn thần kinh, nhận thức hoặc triệu chứng tâm thần.

benh-truyen-nhiem-mua-he

 

Bệnh viêm não Nhật Bản để lại biến chứng rất nặng nề như viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản-phổi do bội nhiễm vi khuẩn; một số bệnh nhân có di chứng muộn sau một năm hoặc lâu hơn như động kinh, parkinson.

Bên cạnh viêm não Nhật Bản, tay-chân-miệng cũng là bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh vào dịp hè.

Bệnh-tay-chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh; thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và thường tăng mạnh vào các tháng hè, kéo dài đến tháng 9, 10.

Đa số các trường hợp mắc bệnh này sẽ tự khỏi. Nhưng nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71 sẽ khiến một số trẻ có biến chứng tim mạch, hô hấp, thần kinh rất nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não. Điều nguy hiểm hơn là các biến chứng này rất khó phát hiện sớm nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm và người nhà không chú ý.

BS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trẻ có biến chứng não do mắc tay-chân-miệng thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc liên tục, hay giật mình lúc thức hoặc lúc bắt đầu thiu thiu ngủ.

Triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng là: Sốt cao, nôn ói nhiều, da nổi bóng nước, mạch nhanh, yếu tay chân, méo miệng. Khi có biến chứng, nếu không điều trị đúng và kịp thời, trẻ có thể tử vong trong vài giờ.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, do hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh tay-chân-miệng và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh này, nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sạch sẽ.

Khi thấy trẻ sốt cao, cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguy cơ sốt vàng xâm nhập

Ngoài hai bệnh truyền nhiễm cấp tính nói trên, nước ta còn đối diện với nguy cơ xâm nhập của bệnh sốt vàng. Đây cũng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sốt vàng lây truyền qua muỗi đốt với tỉ lệ tử vong đến 50%.

Triệu chứng của bệnh gồm: Sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau lưng và đau cơ; khoảng 15% trường hợp mắc sốt vàng phát triển các triệu chứng nguy hiểm dẫn đến chảy máu, sốc, tổn thương nội tạng và có thể tử vong. Hiện bệnh cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Sử dụng vaccine phòng bệnh sốt vàng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất và cho miễn dịch phòng sốt vàng suốt đời.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh sốt vàng hiện đang lưu hành tại 42 quốc gia, chủ yếu ở các nước khu vực Trung Phi và Nam Mỹ. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 84.000-170.000 trường hợp mắc và 60.000 người tử vong do sốt vàng

Trong 4 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc cũng đã ghi nhận 11 trường hợp mắc bệnh sốt vàng xâm nhập, tất cả đều là các lao động trở về từ Angola.

Tại Việt Nam không lưu hành bệnh sốt vàng.Tuy nhiên, ông Trần Đắc Phu lo ngại, hiện nước ta có giao lưu, thương mại, hợp tác lao động với Angola và nhiều quốc gia đang có dịch, do đó có thể ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sốt vàng bất kỳ lúc nào.

Để chủ động phòng chống bệnh dịch, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân đến từ các quốc gia khu vực châu Phi và Mỹ La tinh chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng bệnh sốt vàng ít nhất 10 ngày trước khi đi/đến vùng có dịch.

Khi đến, ở trong vùng dịch tại các nước đang có dịch, cần thực hiện các biện pháp phòng muỗi đốt và diệt muỗi, bọ gậy theo hướng dẫn của nước sở tại.

Hành khách từ các nước đang có dịch về Việt Nam nên chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau khi trở về; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.