Những vị thuốc Nam chữa bệnh trong mùa hè

Mùa hè đến, do thời tiết nắng nóng nhiều nên nhiệt độ môi trường tăng làm ảnh hưởng đến sức khoẻ mọi người, nhất là người cao tuổi và trẻ em dễ bị say nắng, cảm mạo, các bệnh đường ruột, nhiễm khuẩn phát triển.

Để đề phòng các bệnh trên cũng như chữa bệnh kịp thời ngay tại nhà, các gia đình nên có sẵn một số vị thuốc Nam sau đây để sử dụng:

1. Gừng sống (Đông y gọi là sinh khương): gừng có tác dụng tán hàn giải biểu, ôn trung làm hết nôn, cầm đi lỏng do điều lý được trung tiêu, tán vị hàn, ôn phế chỉ ho, giải độc, chóng mặt hoa mắt do huyết áp thấp…

vi-thuoc-chua-tri-benh-mua-he

Cách dùng: Nếu bị nôn mửa do đờm ẩm dùng cùng bán hạ, do lạnh dùng với trần bì, có thể dùng riêng gừng sống nhai nuốt, chiêu bằng nước nóng hoặc giã nát vắt lấy nước uống.

– Nếu bị ho do phong hàn dùng với tử tô, hạnh nhân, trần bì. Trường hợp mới bị ngứa cổ, ho chỉ cần nhai và ngậm gừng sống là đủ.

– Bị ngộ độc cua cá (hải sản), dùng độc vị hoặc dùng với tử tô, nam tinh, bán hạ.

2. Kinh giới (Đông y gọi là kinh giới tuệ): bộ phận dùng là cành lá và hoa. Tính bình vào kinh phế, có tác dụng giải biểu khu phong, chỉ huyết. Dùng để chữa cảm mạo phong hàn không có mồ hôi…

Cách dùng:

– Nếu bị cảm mạo do phong hàn không có mồ hôi, dùng kinh giới với phòng phong, khương hoạt. – Nếu bị cảm mạo do phong nhiệt, dùng với ngân hoa, bạc hà, liên kiều.

– Cấp cứu trúng phong: dùng độc vị kinh giới tuệ tán mịn hoà với rượu uống.

– Nếu bị mẩn ngứa nhiều hoặc sởi đang mọc không tốt, dùng với thuyền thoái, ngưu bàng tử, ngân hoa, bạc hà.

– Chỉ huyết (cầm máu): hoa kinh giới sao thành than để chữa các chứng chảy máu (nôn ra máu, ỉa ra máu, đái ra máu), ho ra máu, chảy máu cam, rong kinh… dùng với trắc bá diệp sao đen, hoa hoè sao đen. Sắc đặc để uống.

Liều dùng: nếu dùng tươi 30g/ngày. Nếu dùng khô (sao vàng) 8 – 16g.

Một số bài thuốc có kinh giới:
– Kinh giới 16g, tía tô 10g. Sắc uống chữa cảm mạo không ra mồ hôi.

– Kinh giới, bạc hà mỗi vị 8g, ngân hoa 16g, lá tre 16g, cam thảo đất 12g để giải biểu, chữa cảm mạo do phong nhiệt.

– Cát căn 6g, kinh giới 6g, phòng phong 6g, cát cánh 6g, ngưu bàng tử 6g, tiền hồ 6g, liên kiều 6g, kim ngân hoa 6g để tuyên thấu độc sởi, chữa sởi thời kỳ đầu.

3.Bạc hà: Bộ phận dùng: lá, cành non, tính vị cay, tân lương, thơm, vào kinh phế, kinh can.

Công dụng: Sơ phong thanh nhiệt, tán phong nhiệt ở thượng tiêu, ở hầu họng, mắt, sơ can giải uất, hành khí. Có tác dụng chữa ngoại cảm phong nhiệt, họng đau do ngoại cảm, đau đầu, mắt đỏ, phong chẩn, ngứa, chứng chẩn phát ra khó khăn ở bệnh sởi… Liều dùng: từ 2 – 6g.

– Phương thuốc có bạc hà: bạc hà 6g, kinh giới 8g, ngân hoa 16g, trúc diệp 16g, cam thảo sống 4g (sắc uống). Tác dụng chữa ngoại cảm phong nhiệt.

4. Tang diệp 16g, cúc hoa 12g, bạc hà 8g, kinh giới 10g, mạn kinh tử 12g (sắc uống). Chữa đau đầu, viêm họng, đau mắt do phong nhiệt.

 

– Tía tô (còn gọi là tử tô, tử tô diệp, tô ngạnh).

– Tử tô: cành non của cây tía tô.

– Tử tô diệp: lá của cây tía tô.

– Tô ngạnh (tử tô ngạnh): cành non hoặc cành già cây tía tô.

Công dụng: Phát tán phong hàn, hành khí, an thai, giải độc. Chữa ngoại cảm phong hàn, khí trệ ở tỳ vị, chữa đau bụng, nôn mửa, dị ứng do cua cá.

Có sách viết: “Tử tô tán hàn khí, thanh phế khí, khoan trung khí, an thai khí, hạ kết khí, hoá đờm khí, nãi trị khí chi thần dược”.

– Liều dùng: 6 – 12g.

Phương thuốc có tử tô:

– Tô diệp 8g, hương phụ 8g, trần bì 8g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày 2 lần để chữa cảm phong hàn có nôn mửa.

– Tô diệp tươi 10g, gừng sống 8g, cam thảo 4g. Sắc uống để chữa đau bụng đi ngoài, mẩn ngứa.

– Tử tô, đương quy, xuyên khung, nhân sâm, trần bì, đại phúc bì, cam thảo, gừng sống mỗi vị 6 – 8g để chữa thai khí nghịch lên bụng, đau bụng, đau đầu. Sắc uống ngày 1 thang.

– Nhân sâm 10g, tô diệp 10g, cát căn 10g, tiền hồ 10g, trần bì 8g, bán hạ 10g, chỉ xác 8g, phục linh 10g, cát cánh 8g, cam thảo 8g để ích khí giải biểu trị ho, hóa đờm, người yếu bị ngoại cảm phong hàn.