Xu thế thiên tai năm 2016 trên phạm vi toàn quốc

Chưa phân loại

Ngay trong những tháng đầu năm 2016, hàng loạt vấn đề liên quan đến thời tiết khí hậu như băng tuyết xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc và kéo xuống các tỉnh miền Trung; hạn hán, ngập mặn và biển xâm thực khoét sâu vào đất liền ở các tỉnh phía Nam…

Tình hình khí tượng

Theo các quan sát mới nhất về nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương, nhiệt độ mặt nước biển đã có xu hướng lạnh đi kể từ tháng 11/2015 cho tới thời điểm hiện tại. Mặc dù El Nino đang trên đà suy giảm về cường độ nhưng nhiệt độ bề mặt biển quan trắc được ở Trung tâm Thái Bình Dương lúc này vẫn ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN) và ở mức +2,0oC vào đầu tháng 3 năm 2016. Dự báo chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển sẽ tiếp tục suy giảm nhanh trong hai, ba tháng sắp tới. Nhiều khả năng điều kiện khí quyển – đại dương ở khu vực trung tâm Thái Bình Dương sẽ trở về trạng thái trung gian từ nửa cuối năm 2016, kết thúc một thời kỳ El Nino mạnh và kéo dài kỷ lục (2014-2016) trong gần 60 năm trở lại đây kể từ khi có số liệu quan trắc đầy đủ về hiện tượng này.

xu-the-thien-tai-nam-2016

Dưới tác động của El Nino nhiều khả năng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong năm 2016 tương đương hoặc ít hơn so với TBNN. Diễn biến có thể theo chiều hướng ít hơn về số lượng vào nửa đầu năm, nhưng tồn tại bão cường độ mạnh và nhiều bão hơn vào nửa cuối năm khi ENSO trở lại trạng thái trung gian.

Nhiệt độ trung bình trong hầu hết các tháng trong năm 2016 tiếp tục có xu hướng cao hơn TBNN từ 0,5-1,0oC ở Bắc Bộ và từ 1,0-1,5oC ở Trung Bộ, Nam Bộ. Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn so với TBNN ở Tây Bắc, Trung Bộ, Nam Bộ và sẽ xuất hiện nhiều ngày nắng nóng hơn so với TBNN.

Mùa mưa có xu hướng đến muộn hơn so với trung bình ở hầu hết các khu vực trên toàn quốc, tổng lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 5/2016 phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 15-30% ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, đặc biệt khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thiếu hụt phổ biến từ 40-60% so với TBNN cùng thời kỳ. Tuy nhiên khi ENSO trở về trạng thái trung gian vào nửa cuối năm 2016 thì lượng mưa ở các khu vực có xu hướng tăng dần và ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với TBNN. Do vậy tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng đến tháng đầu 6 mới dần được cải thiện, tại Trung và Nam Trung Bộ có khả năng đến cuối tháng 8 đầu tháng 9/2016.

Tình hình thủy văn

Nguồn nước trên các sông Bắc Bộ trong các tháng giữa và cuối mùa cạn (tháng 3-5) có xu thế nhỏ hơn TBNN từ 10-30%. Lũ tiểu mãn xuất hiện đúng thời kỳ và xấp xỉ năm 2015. Mùa lũ chính vụ trên các sông Bắc Bộ có khả năng xuất hiện đúng theo chu kỳ TBNN với 2-3 đợt lũ lớn. Đỉnh lũ năm trên các sông phổ biến tương đương đỉnh lũ năm 2015: các sông chính ở thượng lưu hệ thống sông Hồng, sông Hoàng Long và sông Thái Bình ở mức BĐ2 – BĐ3, hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội dưới mức BĐ1, hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại ở mức BĐ1.

Từ nay đến cuối tháng 6/2016, dòng chảy trên các sông Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần. Dòng chảy trên các sông ở Bắc Trung Bộ có khả năng thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 50- 70%; ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 60-80%, một số nơi thiếu hụt nhiều hơn 80%; ở Tây Nguyên trong tháng 3-4/2016 thấp hơn khoảng 60-80% và khoảng 30-50% trong tháng 5-6/2016. Mùa khô 2016 ở các tỉnh ven biển Trung Bộ sẽ kéo dài tới tháng 8-9/2015. Trên nhiều sông sẽ tiếp tục xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ và thấp nhất lịch sử. Do thiếu hụt dòng chảy trên các sông và hồ chứa ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên nên trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2016 tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng sẽ xảy ra trên diện rộng và khốc liệt hơn so với năm 2015. Mùa lũ trên các sông ở Trung Bộ có khả năng đến muộn hơn so với TBNN; các sông ở Tây Nguyên xuất hiện đúng thời kỳ; đỉnh lũ năm 2016 trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên đều cao hơn đỉnh lũ năm 2015.

Hiện nay, dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Kông về vùng đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô 2016 đang ở mức thấp, ngoài ra dòng chảy thượng lưu sông Mê Kông đang diễn biến rất phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu, do vậy hạn hán và xâm nhập mặn dự báo cũng sẽ hết sức nghiêm trọng. Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ tiếp tục sâu hơn và cao hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2015, độ mặn cao nhất năm khả năng xuất hiện vào cuối tháng 3 – đầu tháng 4/2016, ở mức lớn hơn độ mặn lớn nhất năm 2015 và TBNN. Ranh mặn 4g/l trên sông Vàm Cỏ có khả năng xâm nhập sâu từ 100 – 110 km tính từ cửa sông; trên sông Tiền, sông Hậu khoảng 60- 65 km; vùng bán đảo Cà Mau, độ mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức khá cao trong các tháng mùa khô. Mùa lũ trên các sông ở Nam Bộ có khả năng xuất hiện đúng thời kỳ. Đỉnh lũ năm 2016 trên các sông ở Nam Bộ đều cao hơn đỉnh lũ năm 2015.

Thời tiết trên biển, vùng ven bờ có khả năng diễn biến phức tạp hơn so với năm 2015. Bão đổ bộ vào vùng ven bờ vẫn có nguy cơ gây ngập lụt và xói lở bờ biển. Ngoài ra các đợt gió mùa mạnh kết hợp với triều cường, sóng lớn sẽ tiếp tục là nguy cơ gây ngập lụt tại các khu vực trũng ven bờ và cửa sông.

Theo dự báo, xu thế diễn biến của thiên tai khí tượng thủy văn ngày càng khốc liệt hơn, diễn biến phức tạp khó lường hơn, khí hậu ngày càng nóng hơn, khô hơn, mưa bão lũ nhiều hơn.