Trong những ngày thời tiết nắng nóng này, khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) và bệnh viện Nhi T.Ư luôn có bệnh nhân tiêu chảy đến khám và điều trị. Đây là bệnh thường gặp trong mùa hè do khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và xâm nhập cơ thể.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, các kết quả khám lâm sàng và xét nghiệm cho thấy có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy trên người như ngộ độc thực phẩm, vi khuẩn E.coli, khuẩn salmonela, khuẩn tụ cầu… Tại Bệnh viện Nhi T.Ư hiện không có dịch tiêu chảy nhưng hàng ngày đều có một số bệnh nhi đến khám và điều trị bệnh này. Khoa Tiêu hóa chưa diễn ra cảnh nằm ghép bệnh nhân.
Bệnh tiêu chảy do E.coli gây ra thuộc loại tiêu chảy cấp, nếu không phát hiện sớm và có hướng xử lý kịp thời thì bệnh ngày một trầm trọng hơn. Bệnh lây lan theo đường ăn uống do nước, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Tiêu chảy mùa hè có thể tấn công hầu hết mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ do sức đề kháng còn yếu. Khi vi khuẩn E.coli vào cơ thể gây tiêu chảy xâm nhập với hội chứng lỵ đau quặn, mót rặn và phân lỏng máu mũi.
Thời gian ủ bệnh từ 24 – 72 giờ, có thể sốt nhẹ, phân nhiều nước. Đặc biệt, vi khuẩn tả có thể được coi là hung thủ đáng sợ gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ khiến nhiều bậc phụ huynh phải lo ngại vì loại vi khuẩn này có độc lực rất mạnh. Khi bé bị tiêu chảy do vi khuẩn tả sẽ bị mất nhiều nước và điện giải trong thời gian ngắn, diễn tiến của bệnh rầm rộ và phức tạp, trẻ rất dễ bị tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
PGS.TS Trần Minh Điển cho biết thêm, mùa nóng thường gặp nhất là tiêu chảy do vi khuẩn Salmonella. Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn khi ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn này và bị chúng xâm nhập vào niêm mạc ruột gây bệnh.
Thời gian ủ bệnh trung bình từ 12 – 36 giờ sau khi ăn. Khởi phát bệnh đột ngột sốt, đau bụng thượng vị hoặc quanh rốn, không mót rặn, tiêu chảy nhiều lần…Trường hợp nặng có rối loạn điện giải do mất nước (môi khô, mắt trũng, khát nước). Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do trụy mạch.
Tự ý dùng thuốc, hậu quả khó lường
Các bác sĩ khuyến cáo, tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy. Tiêu chảy đa phần do nhiễm trùng ở đường ruột, tiêu phân lỏng cũng là cách bảo vệ cơ thể giúp thải trừ vi trùng, chất độc. Bệnh này có rất nhiều nguyên nhân, chỉ khi nào tiêu chảy nhiễm vi trùng thì mới cần dùng kháng sinh. Nếu dùng kháng sinh không đúng chỉ định thì có thể làm rối loạn thêm đường ruột, hậu quả là tiêu chảy khó lành.
Để phòng bệnh tiêu chảy trong mùa hè, phải đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, không nên ăn rau sống, những thực phẩm chưa nấu chín như tiết canh, thịt tái, gỏi cá, nem chua, nem chạo, thức ăn ôi thiu, nước lã, cần rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để hạn chế vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể gây bệnh.
Những trẻ đi du lịch là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh, vì vậy phải đặc biệt chú ý giữ gìn vệ sinh, nếu có những dấu hiệu của bệnh cần phải bù nước hay đến cơ sở y tế, không được tự ý dùng các thuốc chống tiêu chảy vì sẽ càng khó khăn cho công tác điều trị nếu phải nhập viện.
Tiêu chảy khiến ruột bị tổn thương, nếu không cung cấp đủ dinh dưỡng sẽ làm thời gian hồi phục lâu hơn. Do đó, khi bị tiêu chảy nên lựa chọn thức ăn tươi (đặc biệt là thịt gà, cà rốt, chuối tiêu, sữa chua… có nhiều kẽm, kali và vi khuẩn sống trong sữa chua). Khi chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trường hợp trẻ nôn trớ nhiều thì nên chia nhỏ bữa ăn. Cho trẻ uống oresol từng thìa một, từ 1 -2 phút/thìa để trẻ hấp thu tốt nhất. Đối với các trường hợp trẻ nhỏ mất nước vừa và nhẹ, ngoài việc cho uống dung dịch oresol đến khi tiêu chảy ngừng hẳn, người mẹ cần tiếp tục cho trẻ bú và ăn bình thường. Trong trường hợp mất nước nặng, phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời và truyền dịch.