Người Nhật với những điều đáng khâm phục để không gục ngã trước thiên tai

Chưa phân loại

Chỉ trong vòng 3 ngày ngắn ngủi, 2 trận động đất ở Tây Nam Nhật Bản đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người và khiến hàng ngàn người khác bị thương. Trước những thảm họa liên tiếp ập tới từ tình hình thời tiết, người Nhật đã làm thế nào để không gục ngã trước thiên tai?
Sáng sớm ngày 16/4, đảo Kyushu ở phía Tây Nam nước Nhật đã phải hứng chịu một trận động đất mạnh 7,3 độ Richter. Cơ quan khí tượng Nhật Bản nhận định, trận động đất 7,3 độ Richter vừa diễn ra sáng 16/4 có độ sâu tiêu cự khoảng 12km, tâm chấn trong lục địa, cường độ mạnh, chấn tiêu nông.

Theo ghi nhận, đã có 15 người chết và hàng ngàn người bị thương trong thảm họa này. Trước đó, vào ngày 14/4, một trận động đất mạnh 6,5 độ Richter cũng đã cướp đi sinh mạng của 9 người và khiến cho hơn 950 người khác trên đảo Kyushu bị thương.

Nhật Bản vốn được biết đến là một đất nước phải hứng chịu nhiều thiên tai hàng năm, tuy nhiên, vài năm gần đây, trong số những trận động đất mạnh từ 6 độ Richter trở lên, số lượng thương vong đã giảm đáng kể so với trong quá khứ. Vậy đất nước diệu kỳ với những con người quật cường ấy đã làm thế nào để giảm thiểu đến mức tối đa những thiệt hại về con người do thảm họa thiên nhiên gây ra?

Công trình kiến trúc có độ chống động cao

Theo số liệu thống kê, 90% số người bị chết hoặc bị thương trong các vụ động đất đều có liên quan đến sự sụp đổ của các công trình kiến trúc. Vì vậy, việc nâng cao độ chống động trong quá trình xây dựng các công trình chính là biện pháp trực tiếp nhất để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Tại Nhật Bản, tất cả các công trình được xây mới đều phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt do chính quyền đề ra. Những công trình này phải đáp ứng yêu cầu cho dù có gặp động đất cũng không thể sụp đổ trong vòng 100 năm và không thể hư hại trong vòng 10 năm. Đồng thời, tất cả các nguyên liệu dùng để xây dựng công trình cũng phải trải qua một cuộc giám định chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Hệ thống cảnh báo động đất nhanh nhạy

Với kỹ thuật khoa học công nghệ hiện nay, rất khó để dự đoán chính xác những trận động đất sắp diễn ra, tuy nhiên, khi thảm họa thật sự ập đến, hệ thống cảnh báo nhanh nhạy sẽ giúp người dân tranh thủ được từng phút từng giây để tìm đường thoát thân.

Bên cạnh đó, động đất ở những vùng ven biển thường dễ tạo ra sóng thần, hệ thống cảnh báo hoàn thiện sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.

3 ngày 2 trận động đất: Người Nhật với những điều đáng khâm phục để không gục ngã trước thiên tai - Ảnh 3.

Cơ quan khí tượng Nhật Bản đã cho xây dựng 200 trạm dự báo động đất trên toàn quốc, Bộ Phòng chống Thiên tai nước này cũng đã thiết lập tới 800 trạm dự báo trên toàn lãnh thổ và hình thành nên mạng lưới “bắt động đất, sóng thần” rộng lớn.

Khi động đất vừa chớm đến, các cơ quan chức năng sẽ lập tức phân tích những số liệu từ khắp nơi truyền đến, nhận định nguồn gốc và quy mô của thảm họa, dự đoán thời gian đổ bộ vào từng địa phương và nhanh chóng phát động cảnh báo để người dân có thể chuẩn bị sẵn tâm lý và biện pháp ứng phó.

Hệ thống phòng chống thiên tai hoàn thiện

Nhằm giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, chính phủ Nhật đã đưa ra rất nhiều quy định về đối sách được áp dụng những lúc xảy ra thảm họa.

Nhật Bản đã xây dựng nên một hệ thống dự phòng với đầy đủ vật dụng cần thiết phục vụ cho người dân mỗi khi thiên tai ập đến.

3 ngày 2 trận động đất: Người Nhật với những điều đáng khâm phục để không gục ngã trước thiên tai - Ảnh 4.

Trước tiên, mỗi hộ gia đình đều phải tự tích trữ trong nhà những vật dụng cứu hộ cứu nạn cơ bản, hay còn được gọi là “túi phòng chống thiên tai” với đèn pin, thuốc, khẩu trang, dây thừng… và thực phẩm đủ cho cả nhà sử dụng trong vòng 3 ngày đến 1 tuần.

3 ngày 2 trận động đất: Người Nhật với những điều đáng khâm phục để không gục ngã trước thiên tai - Ảnh 5.

Tiếp đó, mỗi địa phương cũng tự thành lập những trung tâm cứu nạn được trang bị đầy đủ: mũ bảo hiểm, lều trại, chăn chiếu, máy phát điện, đèn pin, thực phẩm… để kịp thời phục vụ những nhu cầu thiết yếu của người dân trong lúc cấp bách.

Tại Tokyo có một kho dự phòng lớn với lượng lương thực đủ phục vụ cho 100.000 người cùng nguồn nước dồi dào có thể bảo quản từ 3-5 năm và hàng loạt những vật dụng cơ bản của người dân như: túi đựng rác, giấy ướt, quần áo lót, khăn mặt, đồ dùng vệ sinh cá nhân…

Nhận thức của người dân về vấn đề phòng chống thiên tai

Nhận thức đúng đắn về phòng chống thiên tai và những kỹ năng thoát thân phong phú của người dân có tác dụng cực lớn trong việc tự cứu bản thân khi xảy ra động đất.

Chính phủ Nhật rất chú tâm tuyên truyền và trang bị cho người dân những kiến thức cần có về động đất, sóng thần; đồng thời tổ chức rất nhiều buổi huấn luyện phòng chống thiên tai hay những buổi triển lãm, thảo luận về thiên tai và xây dựng những con đường thoát hiểm, những khu tị nạn riêng biệt…

3 ngày 2 trận động đất: Người Nhật với những điều đáng khâm phục để không gục ngã trước thiên tai - Ảnh 6.

Kỹ năng chống chọi với thảm họa rất được đề cao tại Nhật, đặc biệt là trong ngành giáo dục. Trẻ em nước này ngay từ nhỏ đã thường xuyên được tham gia những buổi diễn tập về cách ứng phó với thiên tai. Tất cả học sinh Nhật đều biết, mỗi khi xảy ra động đất không được phép hoảng loạn, phải bảo vệ phần đầu và thoát thân một cách có trật tự, tuyệt đối không chen lấn xô đẩy.

3 ngày 2 trận động đất: Người Nhật với những điều đáng khâm phục để không gục ngã trước thiên tai - Ảnh 7.
Rất nhiều địa phương ở Nhật đều cho xây dựng những trung tâm phòng chống động đất với mục đích phổ cập cho người dân, đặc biệt là học sinh tiểu học và trung học những kiến thức cơ bản nhất để họ có thể tự cứu lấy bản thân theo cách đúng đắn nhất trong những tình huống cấp bách nhất.

Bên cạnh đó, lực lượng các bà nội trợ đông đảo ở Nhật cũng được tích lũy những kỹ năng và kinh nghiệm thoát thân phong phú. Bởi vì động đất thường dễ gây ảnh hưởng tới các đường ống dẫn khí, thậm chí gây ra những vụ nổ lớn, thế nên mỗi khi xảy ra động đất, các bà nội trợ nước này sẽ lập tức lao vào bếp tắt hết nguồn điện, nguồn lửa, đồng thời mở toang các cánh cửa có thể làm đường tháo chạy. Những bà nội trợ này còn có nhiệm vụ vô cùng quan trọng khác là kiểm tra định kỳ những “chiếc túi phòng chống thiên tai” trong nhà để kịp thời thay thế những vật dụng đã hỏng hoặc quá hạn sử dụng.

Bất kỳ người dân Nhật nào cũng đều biết, khi xảy ra động đất, phải tuyệt đối tránh xa những quầy hàng hay những vật dụng treo lơ lửng trên trần vì chúng có khả năng gây thương tích rất lớn. Tại rất nhiều các văn phòng, trung tâm thương mại, quảng trường hay những địa điểm tập trung đông người ở Nhật đều có hướng dẫn chi tiết, rõ ràng về các lối thoát hiểm…

3 ngày 2 trận động đất: Người Nhật với những điều đáng khâm phục để không gục ngã trước thiên tai - Ảnh 8.

Vì vị trí địa lý đặc biệt nên hàng năm Nhật Bản đều phải hứng chịu rất nhiều thảm họa từ thiên nhiên. Tất nhiên, những thiệt hại nặng nề về cả vật chất lẫn con người luôn là nỗi trăn trở của chính phủ và người dân nước này, thế nhưng với tinh thần tự giác và quật cường, cùng với nhận thức sâu sắc về phòng chống thiên tai, người Nhật đã phần nào giảm thiểu được những thiệt hại mà thiên nhiên gây ra và nhanh chóng vực dậy sau mỗi “cơn ác mộng” tồi tệ.